• Bonsai Châu Âu - Những tác phẩm đỉnh cao

    Ðến thế kỷ 20, Bonsai thực sự du nhập vào châu Âu, Mỹ , Úc, tuy nhiên đã có những cuốn sách viết về Bonsai ở các nước Âu châu cuối TK 19. Năm 1909, tại Anh một cuộc triển lãm Bonsai được tổ chức chi tiết
  • Xịt nước hoa cho nhà bằng... cây cảnh

    Xịt nước hoa cho nhà bằng... cây cảnh Có rất nhiều loại cây cảnh và hoa cảnh đem đến mùi thơm rất dễ chịu cho ngôi nhà của bạn. Có rất nhiều lý do để trồng cây cảnh trong nhà. Chúng làm sạch không khí, làm không gian sống mềm mại và gần gũi hơn với thiên nhiên, giảm thiểu căng thẳng cho con người. Đặc biệt là vào những ngày đông u ám, ngôi nhà của chúng ta sẽ tươi tỉnh hẳn lên nhờ sắc xanh tuyệt đẹp của lá hay chút màu sắc tự nhiên của hoa. .. chi tiết
  • Đưa sỏi đá vào nhà

    Người Việt lâu nay có quan niệm "đời nhà-đời nguời", làm nhà trọng cái hậu về lâu dài. Đưa sỏi đá vào nhà Sỏi đá hiện đang được ưa chuộng để tạo cảnh quan trong nhà nhưng cần có sự tính toán cẩn trọng hợp lý từ đầu để đạt tính Kiệm trong không gian... chi tiết
Hiển thị các bài đăng có nhãn kĩ thuật trồng cây. Hiển thị tất cả bài đăng

Kinh nghiệm tưới nước làm cho cây cảnh đẹp hơn

Không có nước, cây cảnh đẹp sẽ nhanh chóng khô héo. Nhưng những cây cảnh đẹp cũng có thể chết khi tưới quá nhiều nước, vì đất trồng nhão ra thành bùn và không còn chứa được không khí trong đó. Rễ cây sẽ chết ngột vì thiếu không khí. Vì thế, mục đích của việc tưới nước là cung cấp cho cây trồng vừa đủ lượng nước cần thiết. Vào mùa khô tất nhiên cây trồng sẽ cần nhiều nước hơn là trong mùa mưa.

     Cung cấp nước cho cây cảnh đẹp
     Cách cung cấp nước cho cây cảnh được ưa chuộng nhất là tưới chậm bằng một thùng tưới. Mỗi lần tưới, nước được tưới tràn khỏi mép chậu. Một phương pháp thay thế khác là đặt chậu cần tưới vào một thùng chứa nước cho đến khi nước ngấm đủ vào chậu qua các lỗ thoát nước ở đáy chậu. Sau đó lấy chậu cây cảnh ra và để cho lượng nước thừa tự rút đi. Một số loại dây leo cần được tưới bằng cách phun ướt lá, trong khi một số cây cảnh khác được tưới bằng cách ngâm hẳn bộ rễ của chúng trong nước .
     Những lúc vắng nhà, nên tưới nước như thế nào để giữ cho cây cảnh mãi đẹp ?
     Cây cảnh đẹp cần được chăm sóc thận trọng quanh năm, và nếu bạn cần phải đi vắng trong khoảng một tuần hoặc lâu hơn, việc tưới nước cho cây cảnh có thể trở thành vấn đề. Thừa hoặc thiếu nước đều có thể làm cho cây phát triển không tốt hoặc thậm chí có thể chết, và tốt hơn bạn nên áp dụng những biện pháp tự động thay vì là tin cậy vào những người hàng xóm khi vắng nhà.
     Những cây cảnh lớn nên đặt vào nơi râm mát. Trong khoảng một tuần trước khi vắng nhà, bạn nên tưới nước cho cây nhiều lần hơn trong ngày. Với những cây cảnh lớn thì thời gian từ một tuần đến mười ngày sau đó có thể chịu đựng được.
     Những cây nhỏ nên được đặt trên một khay chứa có độ sâu chứa được khoảng 1 cm nước và đặt vào nơi râm mát. Biện pháp này có thể giúp cây sống bình thường được trong khoảng nửa tháng. Một cách tốt hơn nữa là tưới cho cây bằng lực mao dẫn. Theo cách này, đặt một chậu chứa nhiều nước bên dưới chậu cảnh, dùng một dây vải thấm nước tốt đặt một đầu ngâm vào chậu nước và đầu kia đưa vào trong chậu cảnh qua lỗ thoát nước. Cách tưới này thường phù hợp với các loại chậu cảnh có đất trồng được trộn từ than bùn và không có lót sỏi ở đáy chậu.
     Cứu sống chậu cây bị khô
     Khi không được tưới nước, cây khô héo dần và cuối cùng sẽ chết . Khi cây bị thiếu nước, sẽ đến một thời điểm nào đó mà cho dù có tưới bao nhiêu nước cũng không thể cứu sống được. Tuy nhiên, nếu không là quá muộn thì hầu hết các chậu cây đều có thể cứu sống được. Nên đặt chậu cây bị khô vào một chậu nước có mức nước khoảng 3 đến 4 cm. Cắt bỏ tất cả những hoa và lá héo úa. Khi nhận thấy nước đã ngấm lên đến lớp đất mặt của chậu cây thì lấy ra và mang đặt ở một nơi râm mát trong vài ba ngày.
     Cứu sống cây cảnh bị úng nước
     Nếu đất trồng trong chậu hoàn toàn ngập nước, không khí sẽ bị đẩy ra hết và rễ cây không thể hoạt động được. Những cây cảnh đẹp sẽ chết vị úng nước, lá rũ xuống và bùn nhớt bao phủ trên mặt đất trồng. Nếu phát hiện kịp thời, những chậu cây cảnh đẹp đó có thể được cứu sống.
     Lật ngược chậu cây xuống, dùng một tay đỡ bên dưới khối rễ và tay kia vỗ mạnh vào thành cứng của chậu cho đến khi cả khối rễ trượt ra khỏi chậu. Gỡ bỏ các mẩu đá hoặc sỏi bám quanh, rồi dùng vải mềm khô quấn quanh để hút nước nhanh ra khỏi bộ rễ. Để nguyên như thế cho đến khi khối rễ đã hơi khô đi. Nếu rễ đã phát triển quá nhiều thành khối chặt, có thể mở lớp vải ra và để như vậy ở nơi thoáng khí trong một thời gian. Khi lớp đất trồng đã khô đi nhưng chưa đến mức khô giòn, đặt cây trở vào trong một chậu sạch, thay đất trồng mới. Để nguyên như vậy trong vài ngày rồi mới bắt đầu tưới nước. Đặt cây ở nơi râm mát cho đến khi cây hoàn toàn khôi phục sức sống.

Cây cảnh tiền tỷ hóa 'đống củi', đại gia khóc ròng

Cây cảnh tiền tỷ hóa 'đống củi', đại gia khóc ròng
   Share on Facebook  Google  Share on LinkHay  Share on Zing Email   Bản in
Bỏ ra hàng chục tỷ đồng thu gom cây cảnh phục vụ cho các dự án BĐS của giới nhà giàu, nhưng khi địa ốc “chết đứng”, cây cảnh xuống giá ngang với củi.

Đổ hàng chục tỷ thu gom cây cảnh

Khi kinh tế thịnh vượng nhiều người không tiếc hàng tỷ đồng tậu cho mình một cây cảnh ưng ý làm thú vui trong các biệt thự sang trọng; các dự án bất động sản (BĐS) cũng đầu tư không ít tiền để mua cây cảnh làm đẹp.

Vì thế, trong một thời gian dài, bám theo các chu kỳ tăng trưởng nóng kinh tế và cơn sốt BĐS, cây cảnh cũng được “thơm lây”, đắt hàng tăng giá.

Cây cảnh tiền tỷ hóa 'đống củi', đại gia khóc ròng
“Giá trị của nó trước kia thì trên trời giờ giá rẻ như củi”, một người kinh doanh cây cảnh chia sẻ.

Đã có một thời, kinh doanh cây cảnh là một mốt thời thượng, giá trị cây cảnh được các ông chủ nâng lên mỗi ngày, rồi chính khách hàng đổ xô tìm mua, săn cây đẹp không tiếc tiền… kéo theo một thị trường sôi động.

Thấy kiếm ăn được nhiều người đã đổ xô đi kinh doanh cây cảnh, không ít người bỏ vốn, thế chấp tài sản ngân hàng để tậu cây, buôn bán. Với số tiền bỏ ra lên đến hàng tỷ đồng, chẳng mấy chốc có trong tay vườn cây đẹp, nhiều người ngiễm nhiên được xưng danh là đại gia cây cảnh.

Anh Hà Thành Quang (Lục Lam - Bắc Giang), đã có cả chục năm kinh nghiệm trong nghề cây cảnh. Nhiều năm liền, anh đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng để gom các cây bon sai có thế đẹp rồi tạo dáng chờ giá cao để bán, ngoài ra anh còn thu gom các loại cây sanh để xuất khẩu sang Trung Quốc.

“Vốn để thu gom đôi khi không có nhiều nhưng sợ người khác mua mất nên phải huy động vốn ở nhiều nơi thậm chí vay tín dụng đen để mua bằng được. Cạnh tranh mua cây là cuộc đua ngầm, giá đẩy lên quá cao khiến người thắng cuộc có khi cũng giật mình”, anh Văn chia sẻ

Nuôi mộng làm tỷ phú cây cảnh, ông Nguyên Hải Thành (Như Quỳnh - Hưng Yên) đã cầm cố ngôi nhà của mình cho ngân hàng để vay 300 triệu kinh doanh.

Ban đầu vốn mỏng, nhưng do khéo mua đi bán lại, dần dần tài sản anh lên đến hàng cả tỉ. Say nghề, ham lợi, anh vẫn tiếp tục tìm kiếm các cây ở khắp mọi thậm chí sang các nước bạn Lào và Campuchia để thu gom “tích trữ” chờ giá cao để bán lãi lớn.

Ông Lượng cho biết, cây cảnh loại lâu năm, tiền trăm triệu, tiền tỷ mỗi cây thực ra không có nhiều. Đó chỉ là loại cây đầu tư để làm hàng, thể hiện đẳng cấp, chơi lâu dài còn chủ yếu giới cây cảnh vẫn trông chờ bán cây cho các dự án BĐS.

Cây cảnh trong các dự án cần khối lượng lớn, đủ chủng loại, không cầu kỳ về kiểu dáng chất lượng. Trong thiết kế, giá trị cây cảnh phục vụ cho cảnh quan môi trường của các dự án lến đến hàng chục tỷ đồng.

“Trúng cây cảnh dự án thì thắng rất nhanh những cũng không ai ngờ khi dự án chết thì mình cũng chết theo. Tiếng là vườn cây tiền tỷ những bán không được, cho không xong. Không ít người có vườn cây tiền tỷ giờ thành cục nợ tiền tỷ”, ông Lượng nói.

Kinh tế khó khăn, đặc biệt các dự án BĐS, các công trình xây dựng ngưng trệ khiến cho thị trường trở nên buồn tẻ, giá trị cây cảnh giờ chỉ còn bằng 30 - 50% so với trước. Các đại gia cây cảnh nay cũng chịu chung số phận với các đại gia nhà đất trước kia. Vốn bỏ vào hàng chục tỉ nay chẳng còn là bao.

Anh Nguyễn Quang Khánh (Hạ Bằng - Thạch Thất - Hà Nội ) vốn là đại gia cây cảnh có tiếng, là tay thầu cây công trình có hạng một thời thì nay lại đang thất nghiệp, ôm đống nợ lớn.
Cây cảnh tiền tỷ hóa 'đống củi', đại gia khóc ròng
Chủ chán nản, nhiều chậu cây cành lá um tùm vì không được cắt tỉa thường xuyên.

Kinh tế suy thoái, BĐS đóng băng, cây cảnh sụt giảm cả giá và số lượng khiến anh bị đọng vốn hàng chục tỉ do gom cây bon sai thời giá cao, nhưng chưa kịp bán ra.


Trước kia, anh tậu cho mình chiếc Lexus RX 350 đi công trình nay anh cưỡi trên chiếc Suzuki Best cũ trốn nợ. Đây cũng là tài sản cuối cùng do anh đã phải bán dần tài sản có giá trị để trả nợ.

Anh Trần Hoàng Minh (Đan Phượng - Hà nội) hiện đang ôm số nợ gần 5 tỷ đồng do kinh doanh cây cảnh xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng bị khi thương lái Trung Quốc “bỏ bom”. Vườn cây tiền tỷ hoành tráng năm nào của anh giờ như một cái vườn hoang, cây cảnh giờ cũng bị bỏ quên do hết tiền và không còn hứng thú để chăm sóc.

Anh Trần Hướng Quang (Thạch Hòa - Thạch Thất - Hà Nội) may mắn trúng thầu 15 tỷ cung cấp cây bóng mát cho một dự án khu đô thị gần cầu Vĩnh Tuy nên đã dồn toàn bộ tài sản vốn liếng, thậm chí cầm cố nhà cho ngân hàng để lấy vốn chạy dự án.

Tuy nhiên, khi dự án chưa xong, tiền chưa lấy thì nhà đất rớt giá, dự án dừng xây dựng, việc thanh toán cây cảnh cho anh cũng bị đọng lại. Nay anh Quang mang nợ vì không thể đòi được nợ từ dự án, còn cây cảnh cũng không biết bán cho ai.

Không chỉ đại gia cây cảnh chết mà nhiều người ăn theo đại gia cũng trở nên bi đát. Anh Hà Xuân Minh (Hạ Bằng - Thạch Thất - Hà Nội) cũng phải bán xe tải cẩu vì trước kia xe của anh chỉ phục chở cây cảnh cho các đại gia, giờ đây các đại gia lâm nạn nên xe của anh không có việc để chạy.

Đằng sau hào quang một thời của các đại gia cây cảnh thì nay chỉ còn lại một đống đổ nát, nợ nần. Đại gia thuở nào giờ đang chạy đủ đường để đòi nợ và trả nợ rồi cầu mong BĐS sớm hồi phục để giải phóng số cây tiền tỷ thu hồi vốn bỏ ra.

Kỹ thuật trồng cây sanh- si bằng hạt


Cây trồng từ hạt sẽ có sức sống rất mãnh liệt, có tuổi thọ rất cao, hơn nữa việc tạo dáng uốn sửa bộ rễ được tiến hành từ rất sớm nên mọi người đều thích

.
  1. Chuẩn bị đất gieo hạt: chuẩn bị chất trồng nhỏ mịn, thoát nước tốt ( đất có nhiều mùn là tốt nhất).
  2. Chuẩn bị hạt giống: Chọn quả chín đỏ ( có loại chín vàng) mềm. Bỏ vào chậu nước bóp nát đãi lấy hạt gieo ngay ( bước này rất quan trọng, nếu để quả kém tươi đi mới lấy hạt gieo là tỷ lệ nảy mầm sẽ không cao).
  3. Cách gieo hạt: Làm luống rộng chừng 60 cm, cao khoảng 10 cm, dài tùy vị trí khu vườn luống phải đảm bảo thoát nước tốt. Hoặc nên gieo vào khay (có lỗ thoát nước)
    Gieo: khoảng cách hạt cách hạt 5 cm x 5 cm, gieo xong không cần lấp đất.
    Giữ ẩm cho luống, nếu tưới thì nên tưới bằng bình phun nước thông dụng. Tránh nắng nóng hoặc mưa rơi trực tiếp vào luống cây ( nên che bằng túi bóng kính).
    Khoảng 5 - 7 ngày ( tùy nhiệt độ, thời tiết) hạt sẽ nảy mầm.
    Khi cây có 4-5 lá thật, có thể đưa cây ra trồng ( ra cây) vào luống chính. Cách làm: dùng bay nhỏ nhẹ nhàng gỡ cây ra khỏi luống và trồng với khoảng cách thưa hơn (20 cm x 20 cm), khi cây mới trồng, chú ý che nắng, che mưa cho cây.
  4. Cây ra luống trồng được khoảng 1 năm thì đã có thể trồng vào chậu, trồng ra vườn và bắt đầu tạo dáng. Sau một năm cây trồng đã có chiều cao trung bình là 45-60cm.

Cách trồng và chăm sóc đỗ quyên


Thứ Ba, 29/11/2011 Trên thị trường đang sử dụng rộng rãi giống hoa Đỗ quyên Bỉ. Đây là giống có hoa đẹp, màu sắc đa dạng, dễ trồng và nhân giống. Có 3 phương pháp phổ biến dùng để nhân giống hoa Đỗ quyên là: Giâm cành, gieo hạt và chiết. Đối với giâm cành có thể tiến hành vào tháng 5 hoặc tháng 10, chiết vào tháng 4 - 5 còn gieo hạt thì vào vụ xuân. Phương pháp giâm và chiết thì nhanh cho cây thành phẩm hơn so với gieo hạt.


1. Kỹ thuật làm đất.

Đất trồng hoa Đỗ quyên phải đảm bảo đủ các yếu tố sau: Đất tơi xốp, thoát nước, thông thoáng gió, nhiều mùn, đủ phân bón. Độ pH khoảng từ 4 - 5 là phù hợp nhất.
Cách pha trộn đất trồng hoa Đỗ quyên: Lấy 2 phần đất mặt trên núi phong hoá + 1 phần lá rụng + 1 phần phân động vật ăn cỏ, trộn ủ 1 năm. Ngoài ra cũng có thể trộn theo công thức: 3 phần đất tầng mặt + 3 phần phân ngựa + 3 phần lá mục + 1 phần nước giải, trộn đều, phân thành lớp, ủ trong 1 - 2 năm. Chú ý, phải để phân ủ trong nhà có mái che để giảm độ phì do nắng mưa, trước khi dùng thì phải loại bỏ tạp chất.
2. Kỹ thuật chăm sóc.

Kỹ thuật thay chậu: Thay chậu với hoa Đỗ quyên là việc làm cần thiết. Cây hoa Đỗ quyên cần được thay chậu trong các trường hợp sau: Chuyển cây từ ngoài đất vào chậu. Thứ 2 là cây con lớn, bộ rễ đầy chậu đáy chậu có rễ ra ngoài. Cũng cần phải thay chậu sau khi đã trồng cây được 2-3 năm, dinh dưỡng trong chậu đã hết. Có thể tiến hành thay chậu vào vụ xuân hoặc vụ thu (trước khi hoa đã tàn hoặc trước khi cây vào nụ). Khi thay chậu thì nên chọn các loại chậu có chất liệu và kích thước phù hợp với tuổi cây. Khi thay chậu cần chú ý bỏ hết đất cũ, cắt bỏ rễ xấu. Sau khi thay chậu cần tưới đẫm nước, nếu thay vào vụ thì cần chú ý giữ ẩm cho cây trong vụ đông.
Kỹ thuật tưới nước: Cây Đỗ quyên có bộ rễ rất mạnh nên nó rất sợ hạn và không chịu được ngập úng lâu. Nếu hạn quá hoặc úng quá đều làm cho cây sinh trưởng, phát triển kém, lá vàng, hoa rủ. Chính vì vậy, cần căn cứ vào điều kiện thời tiết để có chế độ tưới cho phù hợp. Thời gian tưới tốt nhất là vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát. Vào thời kỳ cây sinh trưởng, ra nụ, hoa cần tưới nước nhiều hơn. Trong những ngày trời hanh khô cần phun nước nhiều xung quanh lá, hoa, chậu và mặt đất để tăng độ ẩm không khí.
Nước dùng tưới cho Đỗ quyên tốt nhất là nước tự nhiên, sau đó là nước sông, ao hồ và cuối cùng là nước máy. Để tăng độ chua cho nước tưới ta có thể cho thêm sunfat sắt hoặc cho thêm dấm ăn.
Nên dùng nước và nước phân thay nhau tưới cho Đỗ quyên.
Kỹ thuật bón phân: Đỗ quyên không phải loại cây phàm ăn, chính vì vậy cần chú ý khi bón phân. Nếu bón nhiều phân quá, bón phân quá đặc thì còn gây ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây. Để có hoa to và đẹp thì cần bón một lượng phân phù hợp, cách bón phân hợp lý mà theo kinh nghiệm của các nhà vườn là: Phân khô bón ít, phân nước pha loãng. Thông thường chỉ bón phân với các cây từ 2 năm tuổi trở lên. Đối với cây 2-3 năm tuổi thì chỉ bón từ cuối xuân đầu hè, cứ 10-15 ngày bón một lần phân loãng. Đối với cây từ 4 năm trở lên, mỗi năm bón 2 lần phân khô vào mùa xuân và mùa thu, giữa tháng 6 thì bón một lần phân P, K. Sau tháng 6 thì ngừng bón phân, đến khi tàn, cây mọc cành mới có thể bón nước phân loãng.
Một số chú ý khi bón phân:
Không nên bón nhiều phân vào mùa hè để tránh vàng lá, rụng lá.
Nếu mùa hè, cây sinh trưởng bình thường và đang bước vào giai đoạn sinh trưởng thực thì có thể bón 1-2 lần Ca3(PO4)2 + Ca(HPO3) để thúc đẩy ra nụ hoa.
Sau mỗi lần bón phần cần tăng cường tưới nước và xới xáo.
Sau mùa đông không cần bón phân.
3.Phòng trừ sâu hại:

Nhện đỏ: Gây hại chủ yếu trên hoa. Khi bị nhiễm nhện có thể dùng các loại thuốc như DDVP 0,1% để phun trừ hoặc dùng nước ngâm lá trúc đào, thanh hao pha loãng để phun.
Rệp ống: Gây hại trên lá, cành non và hoa. Đối với loại này cần chú ý đến việc diệt trứng của chúng qua đông bằng hợp chất lưu huỳnh vôi 5%. Trong thời kỳ rệp gây hại thì có thể dùng thuốc Rogor 0,1%.
Nhện râu ngắn: Loại nhện này gây hại trên lá, cành non và phát sinh mạnh vào mùa hè. Có thể dùng Sumithion 0,2% phun diệt.
Bệnh thối rễ: Bệnh làm cho cây khô héo. Bệnh phát sinh mạnh trong điều kiện nhiệt độ cao, độ ẩm lớn. Để hạn chế bệnh cần phải xử lý đất khi thay chậu. Khi phát hiện bệnh cần xử lý cây và đất kịp thời bằng thuốc tím 0,1% hoặc sunfat sắt 2%. Có thể dùng Topxin 0,1% phun vào chậu cũng có hiệu quả.
Bệnh đốm nâu: Đây là loại bệnh gây hại chính trên cây Đỗ quyên và gây hại chủ yếu trên lá, làm ảnh hưởng tới hoa. Để phòng trừ bệnh cần chú ý để cây vào nơi thông thoáng, cần tăng cường bón phân tổng hợp. Khi phát hiện cây nhiễm bệnh cần nhanh chóng phun Boođo 1% để trừ bệnh.
Bệnh lá vàng do thiếu sắt: Bệnh này thường xuất hiện ở cây trồng trên đất kiềm. Với loại bệnh này thì chỉ cần bổ sung thêm sắt sunfat là được. Có thể bổ sung theo 2 cách là tưới hoặc phun.